Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, diễn ra sáng 22-12. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị.
Xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam. Ảnh minh họa.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững... Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị văn hóa của Việt Nam. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam; hình thành các sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc trưng tại từng địa phương, khu vực và các sản phẩm văn hóa mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, những sản phẩm văn hóa này phải đảm bảo mục tiêu “sáng tạo - bản sắc - độc đáo - chuyên nghiệp - cạnh tranh”. Đánh giá lại thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa (điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, quảng cáo, kiến trúc, thời trang, truyền hình, phát thanh, các trò chơi giải trí…) để từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với nhu cầu của thị trường, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa; ban hành hoặc tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo không gian cho các tổ chức, cá nhân sáng tạo các sản phẩm công nghiệp văn hóa có giá trị cao; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong quản lý và xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp văn hóa…
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; giai đoạn 2020 - 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chỉ đóng góp khoảng 4%/năm. Đến năm 2022, có khoảng 70.300 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa; có khoảng 2,3 triệu lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa (chiếm 4,42% trong tổng lao động của nền kinh tế); giá trị xuất siêu của các sản phẩm, dịch vụ ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 41,9 tỷ USD…
Riêng tại Khánh Hòa, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế chung của tỉnh, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Việt Nam và bản sắc của văn hóa đặc trưng của địa phương: Tổ chức nhiều tour, tuyến đưa du khách tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh, tìm hiểu các lễ hội truyền thống (Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Lễ hội Am Chúa, Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội Áo dài, trình diễn Bài Chòi, Hò bá trạo…); chiếu phim lưu động miễn phí (khoảng 1.300 buổi chiếu phim/năm) phục vụ người dân khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật múa Chăm, biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại Hòn Chồng, Tháp Bà Ponagar; tổ chức gần 170 buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ nhân dân và du khách tại khu vực công viên bờ biển TP. Nha Trang…
Tin và ảnh: LÊ XƯA