Là một tỉnh ven biển Nam Trung Bộ Việt Nam, Khánh Hòa có bờ biển kéo dài 385km với gần 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và trên 100 đảo, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Miền bờ biển bị đứt gãy tạo ra vùng lý tưởng nổi tiếng cho du lịch vì có nhiều bãi tắm đẹp, cát trắng, nước biển trong xanh, không có các loài cá dữ và dòng nước xoáy ngầm. Khánh Hòa có khí hậu nhiệt đới, gió mùa chia ra làm hai mùa mưa - nắng rõ rệt. Mưa chỉ kéo dài trong hai tháng 10 và 11 - còn lại 10 tháng trong năm chan hòa ánh nắng, làm cho cảnh quan thiên nhiên vốn đã rất đẹp lại thêm phần hấp dẫn.
Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi như vậy, Khánh Hòa có thể phát triển các loại hình du lịch đa dạng: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch săn bắn, du lịch bơi lặn, du lịch leo núi, du lịch sưu khảo, du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch bơi - đua thuyền, nhất là du lịch biển đảo.
DU LỊCH BIỂN, ĐẢO
Biển Khánh Hòa có độ sâu bậc nhất biển Việt Nam và tiếp giáp rất gần với đại dương cũng như các đường hàng hải quốc tế. Đáy biển có độ dốc cao, gồ ghề gồm tầng tầng lớp lớp những rặng san hô. Dọc bờ biển có những vũng, vịnh, bãi triều, bãi cát mịn thuận tiện cho việc lập cảng biển, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch…
Khánh Hòa có 6 đầm và vịnh lớn, đó là Đại Lãnh, vịnh Vân Phong, Hòn Khói, đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang (Cù Huân) và vịnh Cam Ranh. Mỗi vịnh, đầm có những đặc thù riêng, có thể tổ chức thành các tuyến, cụm và điểm tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, tắm biển đa dạng và hấp dẫn. Các địa điểm du lịch tiêu biểu như: Ðại Lãnh, Ðầm Môn (Vạn Ninh); Dốc Lết, Ninh Phước, Ðầm Nha Phu (Ninh Hòa), Vĩnh Lương, Bãi Tiên, bãi biển Trần Phú, Bãi Trũ, Bãi Sạn (Nha Trang), bãi Thủy Triều, Bãi Dài (Cam Ranh)…
Vịnh Vân Phong: Là vịnh biển lớn nhất tỉnh Khánh Hòa với tổng diện tích 503 km2, độ sâu trung bình trên 10m, nơi sâu nhất trên 30m. Vùng vịnh Vân Phong cùng với bãi biển Ðại Lãnh, vùng núi Sơn Tập - Trại Thơm, bãi biển Dốc Lết là nơi có tiềm năng du lịch tổng hợp biển - rừng - núi lớn nhất tỉnh Khánh Hòa và cả nước, do nơi đây có sự kết hợp hài hòa giữa trời, mây, sóng nước, đảo, rừng núi với những bãi tắm cát trắng phau.
Đây là những ưu thế giúp Vân Phong có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái rõ nét. Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xếp Vân Phong vào “vùng du lịch trọng điểm phát triển”, trong kế hoạch dài hạn của ngành đến năm 2010. Vân Phong cũng được Hiệp hội Biển thế giới xếp vào danh sách 4 vị trí du lịch biển lý tưởng nhất hiện nay.
Biển Đại Lãnh. Ảnh: Lại Khánh
Vịnh Nha Trang: Là vịnh biển lớn thứ hai sau vịnh Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa với diện tích khoảng 400 km2. Phía Ðông và phía Nam vịnh được giới hạn bằng một vòng cung các đảo. Lớn nhất là đảo Hòn Tre (còn gọi là Hòn Lớn) có diện tích khoảng 30 km2. Trên đảo có những địa điểm du lịch nổi tiếng như: Bãi Trũ, Bãi Tre, Hồ cá Trí Nguyên (Hòn Miếu); Hòn Mun…
Vịnh Nha Trang. Ảnh: Nguyễn Văn Thiện.
Hòn Mun là nơi thiết lập khu bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam với những rạn san hô và quần thể sinh vật biển còn nguyên sơ, gần như độc nhất vô nhị không chỉ của Việt Nam mà còn của cả Ðông Nam Á. Ranh giới tạm thời của Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang là vùng biển trong đó có các đảo: Hòn Tằm, Hòn Miễu, Hòn Nọc, Hòn Hố, Hòn Ðụn, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Tre. Đây là những hòn đảo không chỉ có những cảnh đẹp trên bờ, dưới nước mà còn đem lại nguồn thu nhập lớn cho tỉnh Khánh Hòa do có chim yến cư trú và làm tổ.
Hòn Mun - Nha Trang. Ảnh: Nguyên Anh.
Tham quan Thủy Cung - đảo Trí Nguyên. Ảnh: Nguyên Anh
Tại Đại hội lần thứ hai Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới tổ chức tại Tadoussac (Quesbec, Canada) tháng 5-2003, vịnh Nha Trang đã được công nhận là thành viên chính thức của Câu lạc bộ, mở ra một cơ hội lớn để quảng bá Nha Trang – Khánh Hòa.
Vịnh Cam Ranh: Có diện tích khoảng 185 km2, độ sâu phổ biến từ 5 đến 10m, phía ngoài có độ sâu từ 12-25m, ra khỏi cửa vịnh tiếp cận với “đường đẳng sâu" 40m. Vịnh Cam Ranh là một vịnh khá kín, dân cư sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, tiểu thủ công nghiệp…
Vịnh Cam Ranh được xếp vào loại một trong ba hải cảng có điều kiện tự nhiên tốt nhất thế giới, xung quanh có núi bao bọc làm cho vùng biển luôn kín gió. Vịnh Cam Ranh chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển (so với Hải Phòng cách 18 giờ).
Trong vịnh còn có một số cảng đang hoạt động như: Cảng khai thác cát, cảng Ba Ngòi, cảng cá Ðá Bạc và cảng quân sự.
Làng biển Bình Ba - Vịnh Cam Ranh. Ảnh: Nguyên Anh.
Đầm Nha Phu: Bao bọc bởi bán đảo Hòn Hèo thuộc thị xã Ninh Hòa là đầm Nha Phu, có diện tích khoảng 100km2. Giữa đầm có một số đảo, lớn nhất là Hòn Thị có đỉnh cao 220m. Cụm đảo Hòn Thị, Hòn Lao và Khu Du lịch suối Hoa Lan (Hòn Hèo) tạo thành quần thể du lịch đảo phía Bắc Nha Trang.
TIỀM NĂNG RỪNG
Khánh Hòa là tỉnh vừa có huyện đồng bằng vừa có huyện miền núi và cả huyện đảo. Trong đó, huyện miền núi Khánh Sơn có điều kiện khí hậu được ví như “Đà Lạt thứ hai”, với bầu không khí mát lành, sương mù vờn quanh đỉnh núi đẹp như một bức tranh thủy mặc. Cùng với đó là nền văn hóa bản địa hấp dẫn, những danh thắng tự nhiên độc đáo, nổi tiếng như: Thác Yangbay, Thác Tà Gụ, thác Dốc Quy, di chỉ khảo cổ học Dốc Gạo, căn cứ địa cách mạng Tô Hạp… Đặc biệt, năm 1979 đã phát hiện ra có những bộ đàn đá, một loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người tại huyện Khánh Sơn.
Khánh Hòa có khí hậu tương đối ôn hòa do mang tính chất của khí hậu đại dương, cùng với sự đa dạng về địa hình đã tạo nên sự đa dạng về thiên nhiên, đặc biệt là sự đa dạng sinh học rừng rất cao với nhiều loài đặc hữu như: Rừng nguyên sinh, rừng lồ ô, rừng lá kim, dương xỉ, phong lan… Không những thế, ở Khánh Hòa còn tồn tại nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ như: Vọoc, gấu…
Thắng cảnh Giang Bay. Ảnh: Lại Khánh.
Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà cũng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến Khánh Hòa. Đó là một khu rừng nguyên sinh với độ cao 1.578m, mang khí hậu của vùng ôn đới, nằm trên ranh giới giữa hai xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh và xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 60 km về phía Tây Nam. Đây là nơi được bác sĩ Alexandre Yersin khám phá và làm việc tại đây vào đầu thế kỷ 20. Các nhà khoa học đã thống kê được tại khu vực Hòn Bà, tỉnh Khánh Hòa có 41 loài thực vật và 59 loài động vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Tại đây, hiện có 559 loài thực vật nhiệt đới bao gồm 401 chi, 120 họ thực vật bậc cao và 4 lớp chim, thú thuộc 27 bộ, 88 họ với 255 loài.
DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA
Trong quá trình phát triển của lịch sử, các thế hệ cư dân Khánh Hòa đã sáng tạo ra các công trình kiến trúc độc đáo, những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như: đình, đền, chùa, tháp, miếu mạo, thành cổ… vẫn còn tồn tại đến ngày nay như: Tháp Bà Ponagar (Nha Trang), Thành cổ Diên Khánh (Diên Khánh), Phủ đường Ninh Hòa (Ninh Hòa), Đền thờ Trần Quý Cáp (Diên Khánh), Miếu thờ Trịnh Phong (Diên Khánh), Đình Phú Cang (Vạn Ninh); Bia Võ Cạnh; Thành Hời, miếu Ông Thạch…
Âm vang đàn đá Khánh Sơn. Ảnh: Hà Bình.
Cùng với các di sản văn hóa vật thể đó là những di sản văn hóa phi vật thể có bản sắc riêng trong dòng văn hóa dân tộc mà tiêu biểu là truyền thuyết về nữ thần Ponagar - Bà mẹ xứ sở, là lễ hội Tháp Bà, lễ hội Am Chúa, là điệu múa bóng dâng Bà.
Tháp Bà Ponagar.
Nhờ điều kiện thiên nhiên ưu đãi (bờ biển dài, cát trắng, cảnh quan đẹp, khí hậu ôn hòa…), lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa nên hàng năm Khánh Hòa đã thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Chính vì vậy, Khánh Hòa đã được Tổng cục Du lịch xác định là một trong các trung tâm du lịch cả nước.