Đây là chủ đề của hội thảo trực tuyến do UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại TP. Nha Trang, diễn ra ngày 25-3. Dự hội thảo có các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa; Pranay Verma - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam; Phạm Sanh Châu - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan; Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp của tỉnh và Ấn Độ.
.jpg)
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tấn Tuân đã thông tin về tiềm năng, thế mạnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như những kết quả hợp tác giữa Khánh Hòa và Ấn Độ trên các lĩnh vực: Thương mại, giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin, văn hóa... Theo đó, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang Ấn Độ đạt 862.200 USD; kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 9.123.400 USD. Trong giai đoạn 2015 - 2021, tỉnh Khánh Hòa đã nhận được nguồn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Ấn Độ với tổng trị giá 5,3 triệu USD để xây dựng Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ, Trường Đại học Thông tin liên lạc. Ông Nguyễn Tấn Tuân hy vọng, thông qua hội thảo lần này, các nhà đầu tư Ấn Độ sẽ thấy rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh, khả năng hợp tác với tỉnh Khánh Hòa cũng như những chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư, tình hình phát triển của các khu công nghiệp, định hướng đầu tư trong tương lai của tỉnh; tạo cầu nối, liên kết, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và mở rộng thị trường, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới.
.jpg)
Các vị lãnh đạo tỉnh, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh và các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo.
Trong phiên tổng thể, hội thảo đã dành nhiều thời gian cho các sở, ban, ngành, doanh nghiệp của tỉnh và Ấn Độ giới thiệu, trao đổi, thảo luận các vấn đề: Tiềm năng và cơ hội hợp tác thương mại, kinh tế, đầu tư của tỉnh Khánh Hòa; thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Ninh Thủy; thế mạnh của Ấn Độ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chế biến thủy, hải sản, quản lý nguồn nước và quản lý chất thải...
Chiều cùng ngày, hội thảo tiếp tục diễn ra với phiên chuyên đề: Kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa và Ấn Độ đã trình bày, giới thiệu, trao đổi, thảo luận về tiềm năng, thế mạnh ngành Du lịch 2 bên; chia sẻ kinh nghiệm về đường bay; kết nối doanh nghiệp lữ hành tỉnh Khánh Hòa và Ấn Độ.
Tin và ảnh: BẢO ANH
* Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, tỉnh Khánh Hòa mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Ấn Độ thực hiện các dự án: Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng; Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa; Khu công nghiệp Ninh Tịnh; Khu công nghiệp Ninh Hải; Khu Công nghiệp Nam Cam Ranh. Đối với lĩnh vực dịch vụ, du lịch, tỉnh mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành để xúc tiến các đoàn khách đến Khánh Hòa trong thời gian đến. Tỉnh Khánh Hòa cũng mong muốn hợp tác cùng các nhà đầu tư Ấn Độ về lĩnh vực phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực. Khi tìm hiểu, hợp tác tại tỉnh Khánh Hòa, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, mặt nước và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ thủ tục đầu tư tại tỉnh thông qua Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm sẽ hỗ trợ khảo sát địa điểm, tư vấn thủ tục, hồ sơ cho nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội hợp tác tại tỉnh.