Thời kỳ
chiến tranh Việt Nam, ở miền Bắc Việt Nam, cùng với các phong trào thi
đua như "Sóng duyên hải" trong công nghiệp, "Gió đại phong"
trong nông nghiệp, "Cờ ba nhất" trong lực lượng vũ trang, "Hai
tốt" trong trường học, "Thầy thuốc như mẹ hiền" trong ngành y
tế, "Ba cải tiến" trong các cơ quan, "Ba đảm đang" trong
phụ nữ, "Ba sẵn sàng" trong thanh niên, miền Bắc còn tổ chức các
phong trào "Vì miền Nam ruột thịt" mang đậm nghĩa tình Bắc - Nam và
có hiệu quả thiết thực.
|
Nổi bật là phong trào kết nghĩa Bắc - Nam giữa các thành phố, các tỉnh miền Bắc với các thành phố, các tỉnh miền Nam như Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Hải Phòng - Đà Nẵng, Thanh Hóa - Quảng Nam, Nghệ An - Quảng Ngãi,
trong đó có tỉnh Khánh Hòa – Thái Nguyên. Tác dụng thiết thực của phong
trào kết nghĩa Bắc - Nam là động viên dân và quân miền Bắc thi đua sản
xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam theo tinh thần
"Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" (miền Bắc đưa vào
50 vạn bộ đội, 25% số lương thực phục vụ chiến đấu), học tập và cổ vũ
tinh thần hy sinh chiến đấu của quân, dân miền Nam thi đua giết giặc lập
công giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Các tỉnh, thành phố kết
nghĩa nhận con em miền Nam tập kết về nuôi dưỡng và cán bộ miền Nam ra
an dưỡng theo kế hoạch của cấp trên giao; cung cấp cán bộ cho các tỉnh
miền Nam khi có yêu cầu và sau giải phóng hoàn toàn miền Nam; thăm hỏi,
động viên cán bộ miền Nam tập kết trong các dịp lễ, Tết...
Ngày 19-10-1962, thành phố Thái Nguyên kết nghĩa với thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Tại thành phố Thái Nguyên có đường Nha Trang,
Trường THCS Nha Trang, Trường THPT Khánh Hòa, ngoài ra còn có một mỏ
than lớn mang tên Khánh Hòa nằm ở xã Phúc Hà, TP. Thái Nguyên.
Tại Nha Trang có Trường THCS Thái Nguyên và đường Thái Nguyên.
|