UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo về việc tổ chức các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2025.
Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Ảnh minh họa (Ảnh: Bích Hồ).
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa và các đơn vị có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tại Công văn số 9725/BNN-TL ngày 19-12-2024 và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 14145/UBND-KT ngày 10-12-2024; kịp thời tham mưu đề xuất các nội dung vượt thẩm quyền và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở NN-PTNT để tổng hợp). Sở NN-PTNT kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện; tổng hợp tình hình, các khó khăn vướng mắc và tham mưu đề xuất những nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh.
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cục bộ cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh ở khu vực Trung bộ vào cuối mùa khô (tháng 7, tháng 8-2025), khu vực Tây Nguyên vào cuối vụ Đông Xuân (tháng 3, tháng 4-2025) ở ngoài vùng công trình thủy lợi; các địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long nguồn nước bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong các kỳ triều cường vào thời gian cuối mùa khô (tháng 3, tháng 5-2025). Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025 phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm chủ động cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Thực hiện kiểm kê cụ thể nguồn nước trước các vụ sản xuất và thường xuyên cập nhật, tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô trên cơ sở kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và chủ động điều chỉnh phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm...) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2024 - 2025. Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Xác định, khoanh vùng khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn tập trung; chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch ứng phó, khuyến cáo, thông tin đến người dân kế hoạch cấp nước để chủ động trữ nước đảm bảo sinh hoạt; chỉ đạo chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã, thôn, bản tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân khu vực chưa được cấp nước tập trung chủ động thu, trữ nước sớm, xử lý nước đảm bảo an toàn cho sinh hoạt. Khi có nguy cơ xảy ra thiếu nước, tăng cường các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, trữ nước phục vụ sinh hoạt. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt trong ao, hồ, kênh rạch, lu, bể,., và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước bảo đảm đủ cho nhu cầu sinh hoạt và cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sữa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi…
THANH HIỀN