Sáng 4-2, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới cho cán bộ lãnh đạo lần thứ I năm 2025 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh có ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, gần 800 cán bộ chủ chốt trong tỉnh đã nghe ông Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh phổ biến nội dung của 5 văn bản pháp luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công chứng; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết với tinh thần đổi mới về tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khắc phục điểm nghẽn, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy định của các văn bản pháp luật mới là cần thiết và quan trọng, góp phần nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật trong toàn xã hội. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân đề nghị các cán bộ chủ chốt cần kịp thời nắm bắt các quy định, nội dung cơ bản của văn bản pháp luật mới để chủ động triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước trong tình hình mới; tổ chức thi hành pháp luật gắn với việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tạo hiệu ứng, sức lan tỏa trong công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật mới, ông Nguyễn Tấn Tuân cũng đề nghị Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PB-GDPL) các cấp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền, PB-GDPL đảm bảo hiệu quả thiết thực; các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương xây dựng kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn chuyên sâu nội dung của văn bản pháp luật mới và văn bản quy định chi tiết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân bằng những hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn…
Được biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với 9 chương, 89 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 (trừ khoản 3, Điều 10 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026). Luật Công chứng gồm 8 chương, 76 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025; riêng việc trang bị thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình quy định tại khoản 5 Điều 20 và điểm c khoản 1 Điều 23 của Luật này được thực hiện chậm nhất từ ngày 1-7-2027. Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 10 chương, 179 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026 (trừ các quy định tại Điều 139, khoản 1 và khoản 2 Điều 162 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2028). Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe gồm 4 chương 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 (riêng quy định tại điểm m khoản 3 Điều 6, điểm e khoản 4 Điều 26, điểm b khoản 1 Điều 27 của nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026).
Tin và ảnh: BẢO ANH