Ngày 20-4, Chính phủ tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung nguồn lực, nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả của công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, để công tác này chính xác hơn, kịp thời hơn trong năm 2023; thường xuyên rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định, chương trình về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thiên tai. Cùng với đó, cần tăng cường công tác phối hợp trong khâu chuẩn bị; làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho công tác này. Đối với các địa phương, cần lồng ghép nội dung phòng, chống với thiên tai vào trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình nhằm hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại do thiên tai,
Diễn tập về phòng, chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ. Ảnh minh họa. Ảnh: baokhanhhoa.vn.
Riêng tại tỉnh Khánh Hòa, năm 2023, để chủ động ứng phó với thiên tai, các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung củng cố, kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo quy định; tiếp tục xây dựng các bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập trên địa bàn tỉnh; rà soát, thực hiện đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là xây dựng và nâng cấp đồng bộ các công trình hồ chứa, kè bờ sông, các hệ thống tiêu, thoát lũ khu dân cư đảm bảo phòng, chống sạt lở, ngập úng cho khu vực; tổ chức rà soát, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động theo dõi diễn biến mưa, lũ để điều tiết, tích nước hợp lý cho các hồ chưa theo quy trình vận hành và kế hoạch tích nước đã được phê duyệt sao cho vừa đảm bảo việc tích nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn công trình, hạn chế xả lũ gây ngập lụt hạ du trong mùa mưa, lũ.
THANH HIỀN
* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, năm 2022, Khánh Hòa trải qua 6 đợt nắng nóng diện rộng; 7 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới; 6 đợt mưa lớn diện rộng; 2 đợt lũ lớn xảy ra vào cuối tháng 10 và đầu tháng 12. Đặc biệt, trong đợt mưa lớn và kết hợp lốc xoáy vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-2022, đã có khoảng 12.000 ha lúa vụ Đông Xuân đang thu hoạch bị thiệt hại từ 5 – 10% năng suất; 62 tàu thuyền bị chìm; một số công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng. Ngoài ra, do đợt áp thấp nhiệt đới vào các tháng cuối năm 2022 đã làm sập và hư hỏng 3 nhà (Nha Trang); sạt lở đèo Cổ Mã và nhiều đoạn kè sông, bờ sông, bờ suối; gây ngập, hư hỏng khoảng 800 ha lúa… Trong năm, tỉnh đã phân bổ khoảng 196,57 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để các đơn vị, địa phương thực hiện công tác sửa chữa, khắc phục các công trình hạ tầng, giao thông thủy lợi do mưa, lũ gây ra; hỗ trợ 2,3 tỷ đồng để người dân khắc phục thiệt hại về nông nghiệp; trích 315 triệu đồng từ Quỹ Trợ giúp nhân đạo Khánh Hòa để hỗ trợ 30 gia đình có tàu thuyền bị ảnh hưởng lốc xoáy trên địa bàn huyện Vạn Ninh; hỗ trợ các địa phương thực hiện đầu tư, tu bổ, sửa chữa 9 công trình mang tính cấp thiết, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai với tổng kinh phí đề xuất là 9,7 tỷ đồng (từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai).
|