Sáng 19-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị.
Ảnh minh họa. Ảnh: Lê Xưa.
Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã tập trung thảo luận, đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp; tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC; kết quả kiểm tra, rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải quyết TTHC tại các địa phương… Đồng thời công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022) và chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 (PAR Index 2022). Theo đó, tỉnh Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu toàn quốc về cả 2 chỉ số trên. Riêng tỉnh Khánh Hòa, chỉ số PAR Index đạt 86,19%, xếp thứ 25, tăng 23 bậc so với năm 2021; chỉ số SIPAS đạt 76,72%, xếp thứ 53, tăng 3 bậc so với năm 2021.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CCHC, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai. Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, công tác CCHC đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 6 nội dung: Công tác xây dựng pháp luật; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị, thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm đối với công cuộc CCHC; chủ động phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công; tiếp tục đẩy mạnh CCHC nói chung, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp nói riêng với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.
BẢO ANH
* Theo báo cáo tại phiên họp, trong quý I-2023, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã ban hành 1.207 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện nhiệm vụ CCHC trên từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Tính đến ngày 21-3, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 264 nhiệm vụ, đạt 30,06% kế hoạch; UBND cấp tỉnh hoàn thành 708 nhiệm vụ, đạt 23,86% kế hoạch. Từ ngày 20-1-2022 đến 20-2-2023, cả nước đã có trên 1 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, trên 1,2 triệu hồ sơ trực tuyến, trên 971.000 lượt giao dịch thanh toán trực tuyến với hơn 273 tỷ đồng thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia.