Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển và tài nguyên rừng.
Tài nguyên biển:
Non nước Khánh Hòa khoe trọn những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, lộng lẫy làm say lòng người. Với bờ cát trắng miên man, uốn lượn, gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như tranh, biển, đảo Khánh Hòa luôn mời gọi, quyến rũ từng bước chân đi về…
Nằm giữa biển xanh biếc, đảo Hòn Tre được mệnh danh là thiên đường biển đảo - viên ngọc quý giữa lòng vịnh Nha Trang. Với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt mỹ, kết hợp với các dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng đa dạng, đầy sắc màu, hòn đảo này là điểm đến nổi tiếng của các du khách trong và ngoài nước.

Đảo Hòn Tre được mệnh danh là thiên đường biển đảo - viên ngọc quý giữa lòng vịnh Nha Trang. Ảnh: baokhanhhoa.vn.
Cách TP. Nha Trang khoảng 7km về phía Đông Nam, đảo Hòn Tằm nhìn từ trên cao giống như một con tằm phơi mình giữa biển trời bao la, được bao bọc bởi màu xanh của cỏ cây. Với khung cảnh còn giữ được nhiều nét đẹp nguyên sơ và thuần khiết, bãi biển thơ mộng, bình yên, dòng nước trong xanh, đẹp mê hồn, đây là địa điểm lý tưởng cho những tín đồ yêu thích du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Nằm ở phía Đông của đảo Hòn Tằm là đảo Yến Đông Tằm; đây là một quần thể sơn thạch được thiên nhiên khéo léo xếp đặt, tạo thành khung cảnh biển, trời bao la…

Đảo Hòn Tằm nhìn từ trên cao. Ảnh: baokhanhhoa.vn.
Đi về khu vực phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, đảo Điệp Sơn (huyện Vạn Ninh), bãi biển Dốc Lết, đảo Khỉ, đảo Hoa Lan (thị xã Ninh Hòa)… là những nơi có phong cảnh hữu tình với bờ cát trắng mịn, nước xanh trong, quanh năm biển lặng sóng êm bên những hàng dương, những rặng dừa xanh tạo nên những bức tranh lãng mạn, tuyệt đẹp…

Con đường đi bộ giữa biển độc nhất vô nhị tại đảo Điệp Sơn xuất hiện khi thủy triều rút. Ảnh: baokhanhhoa.vn.
Về mặt sinh thái, vùng biển Khánh Hòa là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ... Trong đó, hệ sinh thái thảm cỏ biển rất đa dạng về thành phần nguồn lợi như: 134 loài cá, 40 loài giáp xác, 23 loài thân mềm, 10 loài da gai... Các họ cá thia, cá bàng chài và cá bướm có số lượng loài nhiều nhất; các loài cá mú, cá hồng, cá kẽm, cá hè, cá bò… cũng khá đa dạng. Đặc biệt, trên vịnh Nha Trang có 11 loài thú biển quý hiếm như: Cá heo lưng bướu Thái Bình Dương (Sousa Chinensis), cá heo răng nhám (Steno bredanensis), rùa biển (vích) và đồi mồi. Các nhóm sinh vật đáy biển sâu cũng rất đa dạng: Giun nhiều tơ 40 - 80%; hải sâm kích thước lớn 30 - 80%... Ngoài ra, còn có các loài sao biển, cầu gai, hải miên, hải quỳ...

Sinh vật rạn san hô khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang. Ảnh: baokhanhhoa.vn.
Biển Khánh Hòa có nồng độ muối tương đối cao, thuận lợi cho việc sản xuất muối tập trung và các sản phẩm sau muối, nhất là muối công nghiệp.

Cánh đồng muối Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa. Ảnh: BÍCH HỒ.
Tài nguyên rừng:
Diện tích rừng hiện có hơn 244,6 nghìn héc ta (bao gồm diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng), tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,58%, trữ lượng gỗ khoảng 19 triệu m3. Ngoài ra, Khánh Hòa còn có hơn 60 ha rừng ngập mặn phân bổ rải rác ở các vùng ven bờ vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu, cửa sông Vĩnh Trường (Nha Trang), đầm Thủy Triều và vịnh Cam Ranh với hơn 30 loài cây ngập mặn như: Đước, đưng, vẹt dù, bần trắng, mấm đen, mấm biển, xu ổi, cóc vàng…
Có thể nói, Khánh Hòa là một trong những trung tâm về đa dạng sinh học rừng, bao gồm nhiều thành phần di cư từ nhiều luồng khác nhau từ Bắc vào Nam, có cả các hệ thực vật Nam Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, trong đó có nhiều loài bản địa quý hiếm. Cả tỉnh có khoảng 160 loài thực vật bậc thấp thuộc 66 chi, 43 họ; hơn 2.200 loài thực vật bậc cao thuộc 943 chi, 196 họ. Trong đó có nhiều loài cây đặc hữu, quý hiếm như: Pơ mu, Thông 2 lá dẹp, Bách xanh, Hồng Tùng, Quế rừng, Xá xị, Dó bầu, Sồi Langbiang, Sơn huyết, Lan đài hài cuộn...; đa dạng về cây cảnh, nguồn lan rừng, xuất hiện một số loài cây mới được công bố như: Đa tử trà hương, Trà cành dẹp. Động vật rừng cũng có nhiều loài chim, thú quý hiếm như: Vượn đen má hung, Chà vá chân đen, chim Hồng hoàng, Sóc bay...

Lan hài đài cuộn đặc biệt quý hiếm trên đỉnh Hòn Bà. Ảnh: baokhanhhoa.vn.
Tài nguyên khoáng sản:
Khánh Hòa có nhiều loại khoáng sản như: Nước khoáng, titan sa khoáng, molybden, quặng vàng, thiếc, cát thủy tinh, đá ốp lát, đá granite, các loại đá phun trào… Trong đó, mỏ titan sa khoáng được phát hiện tại mỏ Hòn Gốm thuộc địa phận xã Vạn Thọ, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) và xã Cam Hải Đông (TP. Cam Ranh) với mỗi thân quặng chính có chiều dài từ 2,5 – 25km. Cát thủy tinh ở TP. Cam Ranh có quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất thủy tinh cao cấp. Đá ốp lát ở Khánh Hòa có tiềm năng lớn với 24 mỏ với trữ lượng khoảng hơn 2 tỷ khối. Các loại đá phun trào là vật liệu xây dựng tự nhiên phong phú và đa dạng nhất với 46 mỏ, tổng trữ lượng hơn 5 tỷ khối. Toàn tỉnh hiện phát hiện 22 điểm, mỏ nước khoáng thuộc 2 nhóm: Nước khoáng silic và nước khoáng silic-fluor; trong đó, chỉ có 1 điểm nước khoáng silic bình thường, còn lại là nước khoáng silic và silic-fluor nóng. Các điểm, mỏ khoáng của tỉnh có thành phần, tính chất và một số hợp chất có hoạt tính sinh hoạt đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam…

Khu vực mỏ đá granite Tân Dân (huyện Vạn Ninh). Ảnh: baokhanhhoa.vn.