Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đối tượng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo thiếu việc làm. Qua đó, giúp người dân trang bị kiến thức, kỹ năng trong lao động, sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.
Mở các lớp đào tạo nghề
Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn ưu tiên giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và sản lượng, đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; chuyển dịch dần lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ là các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Do đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được địa phương quan tâm.
Đào tạo nghề cho học viên tại Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh.
Năm 2020, huyện đã mở 12 lớp đào tạo nghề cho 389 học viên. Năm 2022, địa phương tổ chức tuyển sinh 15 lớp với 350 học viên (năm 2021 do tình hình dịch bệnh phức tạp nên không thể mở lớp); đối tượng là học sinh người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp THCS nhưng không đủ điều kiện học tiếp THPT, hộ nghèo, cận nghèo thiếu việc làm. Theo đó, 100% học viên tham gia các lớp dạy nghề đều được hỗ trợ tiền học. Các học viên được đào tạo về: Trồng cây ăn quả có múi; trồng rừng kinh tế; chăn nuôi gà, heo, bò; sửa chữa máy nông nghiệp; kỹ thuật trồng rau an toàn; kỹ thuật chế biến món ăn; may công nghiệp... Hình thức đào tạo tập trung hoặc đào tạo lưu động tại các thôn, xã theo hướng cầm tay chỉ việc tại nơi sản xuất của người dân...
Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thông qua các lớp đào tạo nghề đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của lao động nông thôn. Các lớp đào tạo nghề đã kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành tại chỗ, bảo đảm cho học viên thành thạo các kỹ năng, qua đó thu hút các học viên tham gia. Học viên nắm chắc những kiến thức, kỹ năng nghề, vận dụng ngay vào việc trồng trọt, chăn nuôi của hộ gia đình. Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình hay được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm. Do vậy, có hơn 80% học viên học xong các lớp đào tạo nghề có việc làm, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tiếp tục quan tâm
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND huyện, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện (năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 18,6%, đến năm 2022 đạt 53%); đồng thời từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế như: Việc đi lại khó khăn, người dân chủ yếu làm rẫy ở núi cao, ít khi ở nhà nên khó tiếp cận để vận động tuyên truyền đi học. Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh chỉ có 2 giáo viên cơ hữu giảng dạy các nghề chăn nuôi thú y, nấu ăn, còn các nghề hàn, sửa chữa máy nông nghiệp còn thiếu giáo viên; do đó chưa chủ động được trong việc mở lớp, đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân. Một số xã, thị trấn chưa xác định được ngành nghề đào tạo, chưa tư vấn được cho người dân học nghề phù hợp với phát triển kinh tế ở địa phương và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập…
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn; nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và lao động nông thôn về vai trò của đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hiện có, đồng thời phối hợp với giáo viên, người dạy nghề của các cơ sở dạy nghề trong, ngoài tỉnh để bổ sung thêm giáo viên, đảm bảo công tác dạy nghề cho người lao động; biên soạn, chỉnh lý, bổ sung chương trình - giáo trình dạy nghề phù hợp với lao động nông thôn trên địa bàn...
Theo baokhanhhoa.vn
Xem bản tin gốc Báo Khánh Hòa tại đây