1. Mạng lưới giao thông:
Mạng lưới giao thông trong tỉnh Khánh Hòa có 4 loại hình giao thông: Đường hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Đó là lợi thế để Khánh Hòa có thể phát triển một nền kinh tế toàn diện, giao lưu trong nước và quốc tế về các lĩnh vực thương mại, du lịch, sản xuất kinh doanh và trao đổi hàng hóa.
* Đường bộ:
Khánh Hòa có hệ thống cơ sở hạ tầng về đường bộ tương đối phát triển, nằm trên các trục giao thông quan trọng ven biển của Việt Nam như: Quốc lộ 1A chạy dọc ven biển từ đèo Cả đến ghềnh Đá Bạc nối liền với các tỉnh phía Bắc và phía Nam; Quốc lộ 26 nối Ninh Hòa với Đăk Lăk và các tỉnh Tây Nguyên; đường 723 - rút ngắn khoảng cách Nha Trang đi Đà Lạt còn 140 km và dự án đường cao tốc Bắc Nam đi qua Khánh Hòa.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 2.086 km đường giao thông. Trong đó, đường do trung ương quản lý dài 224,38 km, chiếm 10,75%; đường do tỉnh quản lý dài 254,95 km, chiếm 12,21%; đường do huyện quản lý dài 327,47 km, chiếm 15,69% và đường do xã quản lý dài 1.566,97 km, chiếm 75%. Chất lượng đường bộ: Đường cấp phối, đường đá dăm dài 399,52 km chiếm 19,14%; đường nhựa dài 362,77 km, chiếm 17,38% còn lại là đường đất.
Đường nội tỉnh: Đường Nguyễn Tất Thành nối sân bay Cam Ranh với TP. Nha Trang, đường Phạm Văn Đồng nối đường Trần Phú ra Quốc lộ 1A, đường Khánh Bình - Ninh Xuân nối từ Quốc lộ 26 về Khánh Vĩnh. Tất cả các xã đã có đường ô tô đến tận trung tâm xã. Hiện nay, Nha Trang đang có 6 tuyến xe buýt phục vụ công cộng… đã tạo được các tuyến giao thông thông suốt trong tỉnh. Đường lên khu du lịch Hòn Bà, đường ra khu du lịch Đầm Môn và những tuyến đường giao thông khác đã và đang được hoàn thiện để phát triển tiềm năng của các vùng kinh tế của tỉnh.
Cầu Trần Phú - Nha Trang. Ảnh: Văn Thành Châu.
Nha Trang văn minh - hiện đại. Ảnh: Hà Bình.
* Đường sắt:
Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc tỉnh Khánh Hòa, dài khoảng 149,2 km, qua thành phố Nha Trang và hầu hết các huyện trong tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 12 ga đường sắt, các ga dọc tuyến là ga hỗn hợp, chỉ có ga Nha Trang là ga chính, có quy mô lớn làm nhiệm vụ trung chuyển hành khách và hàng hóa từ Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột tới các tỉnh phía Bắc và phía Nam.
Ga Nha Trang được khánh thành ngày 2-9-1936 và tuyến đường sắt xuyên Việt cũng hoàn thành vào tháng 10 cùng năm. Ga Nha Trang ngày nay vẫn giữ nguyên được lối kiến trúc nhà ga cùng tuyến đường sắt hình “bóng đèn” độc đáo.
Hiện nay, tất cả các tuyến tàu Thống Nhất đều dừng ở đây. Ngoài các tàu Thống Nhất, còn có các chuyến tàu SN1-2, SN3-4, tàu du lịch Nha Trang – Sài Gòn SNT1, SNT2… Ngoài ga Nha Trang, tỉnh còn 12 ga khác phân bố tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố, trừ hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và huyện đảo Trường Sa.
Đêm ga Nha Trang. Ảnh: Anh Khôi.
* Đường hàng không
Khánh Hòa có Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh nằm ở phía Bắc bán đảo Cam Ranh, cách TP. Nha Trang khoảng 35 km, cách TP. Cam Ranh 10km về phía Nam.
Năm 2011, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đón 1.000.000 lượt khách, giữ vị trí thứ 4 trong hệ thống Cảng hàng không Việt Nam tính theo số lượng khách thông qua. Năm 2015, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã đón hơn 2,7 triệu lượt hành khách, vượt công suất thiết kế so với nhà ga hiện hữu (công suất thiết kế đón 2 triệu lượt khách vào năm 2020). Do đó, tháng 9-2016, Nhà ga hành khách mới Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã được khởi công xây dựng với thiết kế mang vẻ đẹp của chiếc tổ yến, tổng diện tích 50.500 m2 sàn, bao gồm: 2 cao trình đi/đến tách biệt; 80 quầy làm thủ tục; 10 cửa ra tàu bay; các khu chức năng, kinh doanh dịch vụ, sân đỗ xe ô tô, đường giao thông ra vào ga đồng bộ… Dự kiến đến năm 2030, nhà ga mới sẽ đón 8 triệu khách/năm.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh có khả năng tiếp nhận các loại máy bay Airbus 320, 321, 300-600, Boeing 767, 777, 747 và tương đương; sử dụng 2 đường cất, hạ cánh. Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã và đang mở rộng các đường bay quốc nội, quốc tế. Hiện sân bay Cam Ranh đã có các tuyến bay quốc nội đến: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Huế…; tuyến bay quốc tế: Nga, Hàn Quốc, Hồng Kông, Quảng Châu, Thành Đô…
Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh.
* Đường thủy:
Khánh Hòa có nhiều vùng vịnh kín gió, nước sâu lại nằm ở cực đông của Việt Nam gần với tuyến hàng hải quốc tế nên rất thuận lợi cho xây dựng cảng biển. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 5 cảng biển: Cam Ranh, Nha Trang, Hòn Khói, Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Đá Tây (Trường Sa).
- Cảng Nha Trang có năng lực xếp dỡ hàng hóa 1,2 triệu tấn/năm. Cảng có 4 cầu bến, cầu dài nhất là 215m; có thể tiếp nhận tàu hàng tổng hợp có trọng tải đến 20.000DWT và tàu khách có dung tích đến 60.780GT. Cảng có độ sâu vùng nước neo đậu từ - 8,5 đến -11,8m; tổng diện tích kho bãi của cảng 80.000m2. Ngoài ra, Cảng khá đa dạng các dịch vụ như: Lai dắt, hỗ trợ tàu ra vào các cảng trong khu vực; kinh doanh kho bãi; vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy bộ; cung ứng các dịch vụ phục vụ chủ tàu và khách hàng qua cảng; đón tàu khách, hành khách trong nước và quốc tế; cung ứng điện nước, sửa chữa cơ khí… cho tàu thuyền đến cảng.
Ngày 14-4-2016, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chính thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Nha Trang sang UBND tỉnh Khánh Hòa. Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Cảng Nha Trang sẽ được quy hoạch, sắp xếp lại bến tàu khách quốc tế, khách nội địa, bến du thuyền và các bến khách chuyên dùng. Từ năm 2016, tỉnh Khánh Hòa xây dựng đề án phát triển hướng đến cảng đầu mối du lịch quốc tế hiện đại, kết thúc hoàn toàn việc vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nha Trang; phấn đấu đưa Cảng Nha Trang đón tối thiểu 150.000 khách quốc tế du lịch bằng đường biển và 1 triệu khách nội địa đi tham quan các tuyến biển, đảo. Các năm tiếp theo phấn đấu đạt mức tăng trưởng tối thiểu 20%/năm.
- Cảng Quốc tế Cam Ranh là một trong những cảng nước sâu hàng đầu của Việt Nam ở gần tuyến hàng hải quốc tế, cung cấp dịch vụ hàng hải và cung ứng, sửa chữa tàu biển lớn, hiện đại. Hiện tại, dự án Cảng Quốc tế Cam Ranh mới hoàn thành giai đoạn 1. Trước mắt, tập trung khai thác 3 lĩnh vực: Cung ứng dịch vụ hàng hải cho tàu quân sự, tàu du lịch; sửa chữa đầu bến và cung cấp dịch vụ du lịch cho thủy thủ đoàn, du khách. Tháng 9-2016, Cảng đã đón tàu du lịch quốc tế đầu tiên đến tham quan Khánh Hòa. Cảng Quốc tế Cam Ranh sau khi hoàn thành sẽ là một trong các cảng lớn nhất của Việt Nam tính theo chiều dài bến cập tàu, với tải trọng tàu tối đa đến 110.000DWT, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8.
- Cảng Hòn Khói nằm trên bán đảo Hòn Khói, phía Nam vịnh Vân Phong, cách Quốc lộ 1 khoảng 12m, là cảng chuyên dùng xuất muối kết hợp với cảng hàng hóa, công suất khoảng 10 vạn tấn/năm. Từ năm 2009 đến năm 2014, cảng đã đầu tư 28 tỷ đồng nâng cấp hệ thống cầu cảng với 2 đoạn có tổng chiều dài 120m; độ sâu trước bến là 1,9m, cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải tối đa 1.900DWT có mớn nước phù hợp ra vào làm hàng. Hiện cảng có 5 xe cẩu, sức nâng từ 10 đến 40 tấn. Hàng qua cảng chủ yếu là xi măng, nông sản, muối, phân bón. Bộ Giao thông vận tải quy hoạch Cảng Hòn Khói đến năm 2030 có diện tích 4,5ha. Đây sẽ là điều kiện quan trọng và thuận lợi để cảng có thể đầu tư xây dựng, phát triển trong sản xuất kinh doanh. Dự kiến, năm 2017, cảng sẽ đầu tư nâng cấp cho các tàu có tải trọng từ 4.000 đến 5.000 tấn vào tác nghiệp làm hàng.
- Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (thuộc Dự án Cảng trung chuyển Container quốc tế Vân Phong) tại khu vực Đầm Môn hiện đang được Công ty Cổ phần Cảng Nha Trang đầu tư xây dựng giai đoạn mở đầu. Cảng có diện tích 42,21ha, giai đoạn mở đầu sẽ xây dựng 1 cầu cảng có thể tiếp nhận tàu 50.000 tấn, năng lực thông quan 1,5 - 2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 417 tỷ đồng, trong đó vốn góp thực hiện của công ty 200 tỷ đồng, vốn vay 217 tỷ đồng; tiến độ đầu tư từ 18 đến 26 tháng, trong đó thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, thiết kế 6 - 12 tháng, thời gian xây dựng 12 - 14 tháng, thời gian hoạt động dự án là 50 năm. Giai đoạn hoàn thiện sẽ xây dựng thêm 2 bến container cho tàu đến 15.000 TEU với lượng hàng thông quan từ 1 đến 1,5 triệu TEU/năm, khi có nhu cầu sẽ hình thành cảng trung chuyển.
Cảng Nha Trang.
2. Công cộng
- Cấp điện: Khánh Hòa sử dụng nguồn điện của mạng quốc gia 220 KV, có nguồn điện diezen dự trữ, đáp ứng đủ mọi nhu cầu về điện cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Toàn tỉnh đã phủ điện 100% đến các xã.
- Cấp nước: Thành phố Nha Trang có Nhà máy nước công suất 70.000m3/ngày – đêm, các thị xã, thị trấn đều có nhà máy nước đảm bảo cấp nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Thông tin liên lạc: Khánh Hòa sử dụng hệ thống tổng đài điện tử kỹ thuật hiện đại, các huyện đều có tổng đài số, 100% xã được phủ sóng điện thoại cố định, di động và mạng Internet. Toàn tỉnh có 103/105 xã có điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, chiếm tỷ lệ 98%.
3. Dịch vụ công cộng
* Phòng cháy chữa cháy: Hiện nay, tại Nha Trang có Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy ở 233 Ngô Gia Tự, Nha Trang. ĐT: 058.3691332. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở lưu trú, khu du lịch nghỉ dưỡng và các địa điểm vui chơi giải trí đều được trang bị đầy đủ các phương tiện và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an toàn cho du khách và người dân.
* Công an:
Công an tỉnh Khánh Hòa, đia chỉ số 80 Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang. Điện thoại: 058.3525048
Công an thành phố Nha Trang ở 02 Lê Thánh Tôn, thành phố Nha Trang. Điện thoại: 058.3514088
Ngoài ra, còn có hệ thống công an ở các phường, xã trên địa bàn tỉnh với lực lượng công an được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
* Bệnh viện:
- Một số bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố Nha Trang:
+ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa ở 19 Yersin. Điện thoại: 058.3819295
+ Bệnh viện 87 ở số 78 Tuệ Tĩnh, phường Lộc Thọ. Điện thoại: 058.3700663
+ Bệnh viện 22 tháng 12 ở 34/2 Nguyễn Thiện Thuật, phường Tân Lập. Điện thoại: 058.33528866.
+ Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí ở địa chỉ: 57-59 Cao Thắng, Phường Phước Long, TP. Nha Trang. Điện thoại: 058 3882 312.
+ Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Nha Trang 9-24 Khu dân cư Cầu Dứa, Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang 058.3895039.
+ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang ở địa chỉ: 42A Trần Phú, Phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. Điện thoại: 058.3900168.
+ Bệnh viện Giao thông vận tải 6 ở địa chỉ: 23/10, Vĩnh Hiệp, Nha Trang. Điện thoại: 058.3890 079.
+ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa. Địa chỉ: Đường 23/10, thôn Phú Ân Nam 1, xã Diên An, huyện Diên Khánh. Điện thoại: 058.3761737.
+ Bệnh viện Da Liễu tỉnh Khánh Hòa. Địa chỉ: 165 Nguyễn Khuyến, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang. Điện thoại: 058.3543138.
+ Bện viện Lao và bệnh Phổi. Địa chỉ: Núi Sạn, Đồng Đế, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang . Điện thoại: 058.3838586.
+ Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng. Địa chỉ: Đường Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang. Điện thoại: 058.3831103.
+ Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa. Địa chỉ: Thôn Tân Định, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh. Điện thoại: 058.3780001/058.3780002.
- Ngoài ra, ở Nha Trang còn có một số phòng khám như: Tín Đức ở 39 Trần Quý Cáp, Medic Nha Trang ở 23 đường 2/4, Đa khoa Phúc Sinh ở 25 Tô Hiến Thành, Phòng khám răng ở 12 Mê Linh… và rất nhiều phòng khám nhỏ, lẻ rải rác các phường, xã, đảm bảo về mặt chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân và du khách.
* Ngân hàng, bảo hiểm:
Các ngân hàng thương mại, hệ thống thu đổi ngoại tệ, hệ thống rút tiền tự động ngày càng hoàn thiện, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của các nhà đầu tư, du khách đến với Khánh Hòa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 30 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công thương (Viettinbank), Phát triển Việt Nam, VIB, Đại dương (Ocean bank), Sài Gòn Thương Tín, Hàng Hải, Phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long, Quân đội (MB), Á Châu, Xuất Nhập khẩu (Eximbank), Nam Á, Phương Đông, Quốc tế, Kỹ thương (Techcombank), Việt Nam Thịnh vượng, Đông Nam Á, Đông Á, An Bình, TMCP Sài Gòn, Kiên Long, Sài Gòn - Hà Nội, Liên doanh Việt – Nga, Xăng dầu Petrolimex, Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Bưu điện Liên Việt, Phương Nam, Phát triển Mê Kông, Đại Tín…
Hệ thống các cơ quan bảo hiểm: Bảo hiểm Khánh Hòa ở 05 Hùng Vương; Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa ở 25 Tô Vĩnh Diện; PGCO 47 Lê Thành Phương, Nhân Thọ AIA 26 Yersin; PVI 16 Tô Hiến Thành; Bảo Minh 86 Quang Trung; ACE 50 Lê Thành Phương; Daihichi 14A Lê Thành Phương; AAA 51B Lê Hồng Phong…